Mô tả sản phẩm:
CÔNG THỨC:
Paracetamol 400 mg
Codein phosphat 30 mg
Cafein 30 mg
Tá dược vừa đủ 1 viên
DẠNG BÀO CHẾ:
Viên nang.
QUY CÁCH ĐÓNG GÓI:
Hộp 2 vỉ x 10 viên nang.
CHỈ ĐỊNH:
Điều trị các cơn đau mức độ trung bình không đáp ứng với aspirin hoặc paracetamol đơn thuần, có hoặc không kèm nóng sốt: Đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau xương, đau khớp, đau lưng, đau cột sống, đau răng, đau bụng kinh, đau thần kinh, đau do cảm cúm, viêm họng hay mũi xoang, đau do chấn thương, bong gân, đau sau phẫu thuật (trừ phẫu thuật ở đầu, bụng),…
LIỀU DÙNG VÀ CÁCH DÙNG:
Thuốc uống dành cho người lớn và trẻ em trên 15 kg.
– Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi (≥ 50 kg): Mỗi lần từ 1 – 2 viên, ngày 2 – 4 lần.
– Trẻ từ 11 – 15 tuổi (31 – 50 kg): Mỗi lần 1 viên, ngày 2 – 4 lần.
Khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4 – 6 giờ, không uống quá 8 viên/ ngày.
Trường hợp suy thận nặng, khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc phải dài hơn 8 giờ.
Chỉ dùng thuốc này cho trẻ em khi có chỉ định của bác sĩ.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Nếu cần thêm thông tin, xin hỏi ý kiến bác sĩ.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
– Quá mẫn với một trong các thành phần của thuốc.
– Người bệnh thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase.
– Trẻ em dưới 1 tuổi, người bị bệnh gan, suy hô hấp.
– Trẻ em dưới 18 tuổi vừa thực hiện cắt amiđan và/ hoặc thủ thuật nạo V.A.
THẬN TRỌNG:
– Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị. Đôi khi có những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mày đay; những phản ứng mẫn cảm khác gồm phù thanh quản, phù mạch, và những phản ứng kiểu phản vệ có thể ít khi xảy ra. Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, và giảm toàn thể huyết cầu đã xảy ra với việc sử dụng những dẫn chất p – aminophenol, đặc biệt khi dùng kéo dài các liều lớn. Giảm bạch cầu trung tính và ban xuất huyết giảm tiểu cầu đã xảy ra khi dùng paracetamol. Hiếm gặp mất bạch cầu hạt ở người bệnh dùng paracetamol.
– Phải dùng paracetamol thận trọng ở người bệnh có thiếu máu từ trước.
– Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol, nên tránh hoặc hạn chế uống rượu.
– Dùng thận trọng ở những người bị suy giảm chức năng gan, thận, người bị phenylceton – niệu.
– Thận trọng với các bệnh đường hô hấp như hen, khí phế thũng, ho có đờm, người bệnh có tiền sử nghiện codein.
– Không dùng để giảm ho trong các bệnh nung mủ phổi, phế quản khi cần khạc đờm mủ.
– Do nguy cơ suy hô hấp, chỉ sử dụng các thuốc chứa codein để giảm đau cấp tính ở mức độ trung bình cho trẻ trên 12 tuổi khi các thuốc giảm đau khác như paracetamol và ibuprofen không có hiệu quả.
– Codein chỉ nên được sử dụng ở liều thấp nhất mà có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất.
– Không khuyến cáo sử dụng codein cho trẻ em có các vấn đề liên quan đến hô hấp (ví dụ: Khó thở hoặc thở khò khè khi ngủ…).
– Thận trọng khi sử dụng codein cho trẻ em dưới 12 tuổi (do thông tin nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc cho đối tượng này còn hạn chế).
– Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ cho con bú (do thuốc có thể được bài tiết vào sữa mẹ).
– Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven-Jonhson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
THỜI KÌ MANG THAI:
Không dùng cho người mang thai.
THỜI KÌ CHO CON BÚ:
Chỉ dùng khi thật cần thiết.
NGƯỜI LÁI XE VÀ VẬN HÀNH MÁY MÓC:
Thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt, vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc cho người lái xe và vận hành máy móc.
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN:
– Liên quan đến paracetamol: Thường gặp ban đỏ hoặc mày đay, nhưng đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc; ít khi gặp buồn nôn, nôn, rối loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu), thiếu máu; bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày. Khi dùng quá liều paracetamol một chất chuyển hóa là N-acetyl-benzoquinonimin gây độc nặng cho gan. Liều bình thường, paracetamol dung nạp tốt, không có nhiều tác dụng phụ của aspirin. Tuy vậy, quá liều cấp tính (trên 10g) làm thương tổn gan gây chết người.
– Liên quan đến codein: Thường gặp đau đầu, chóng mặt, khát và có cảm giác khác lạ; buồn nôn, nôn, táo bón; bí tiểu, tiểu ít; mạch nhanh, mạch chậm, hồi hộp, yếu mệt, hạ huyết áp thế đứng; ít gặp ngứa, mày đay; suy hô hấp, an dịu, sảng khoái, bồn chồn; đau dạ dày, co thắt ống mật.
Dùng codein trong thời gian dài với liều từ 240-540 mg/ ngày có thể gây nghiện thuốc. Các biểu hiện thường gặp khi thiếu thuốc là bồn chồn, run, co giật cơ, toát mồ hôi, chảy nước mũi. Có thể gây lệ thuộc thuốc về tâm lý, về thân thể và gây quen thuốc.
– Liên quan đến cafein: Có thể có mất ngủ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa.
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
TƯƠNG TÁC THUỐC:
– Liên quan đến paracetamol:
+ Làm tăng nhẹ tác dụng của thuốc chống đông.
+ Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây ngộ độc cho gan.
+ Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) và isoniazid có thể làm tăng tính độc hại gan của paracetamol.
– Liên quan đến codein:
+ Tác dụng giảm đau của codein tăng lên khi phối hợp với aspirin và paracetamol, nhưng lại giảm hoặc mất tác dụng bởi quinin.
+ Làm giảm chuyển hóa cyclosporin do ức chế men cytochrom P450.
QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ:
– Liên quan đến paracetamol: Buồn nôn, nôn, đau bụng, xanh tím da.
– Liên quan đến codein: Suy hô hấp, đờ đẫn hoặc hôn mê, mềm cơ, da lạnh và ẩm, đôi khi mạch chậm và hạ huyết áp.
– Liên quan đến cafein: Mất ngủ, bồn chồn, kích thích, nhịp tim nhanh.
– Xử trí:
+ Rửa dạ dày, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống.
+ N – acetylcystein dùng theo đường tĩnh mạch hoặc uống, tốt nhất trong vòng 10 giờ sau khi ngộ độc.
+ Dùng methionin, than hoạt và/ hoặc thuốc tẩy muối.
+ Hồi phục hô hấp bằng cách cung cấp dưỡng khí và hô hấp hỗ trợ có kiểm soát. Chỉ định naloxon ngay bằng đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp nặng.
HẠN DÙNG:
36 tháng kể từ ngày sản xuất.
ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN:
Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 300C.
TIÊU CHUẨN:
Tiêu chuẩn cơ sở