SỎI THẬN – DẤU HIỆU, DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ

13:31 | 22/10/2020

BỆNH SỎI THẬN LÀ GÌ?

Sỏi thận chính là các tinh thể rắn xuất hiện ở nhiều vị trí từ thận đến niệu quản và ở bàng quang, có nguồn gốc từ các khoáng chất (như acid uric, canxi, natri, oxalat) trong nước tiểu không tan và kết dính với nhau

BỆNH SỎI THẬN CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Sỏi thận là một bệnh rất phổ biến nhưng không phải ai cũng phát hiện ra bệnh lý này một cách dễ dàng. Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm, người mắc bệnh sỏi thận có thể không nhận ra cho tới khi đi khám.

Thực chất bản thân sỏi thận ban đầu không quá nguy hiểm, đồng thời cũng có khả năng đi ra ngoài theo đường nước tiểu. Tuy nhiên khi sỏi thận quá lớn, quá nhiều, chúng không thể tự ra ngoài nữa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới biến chứng suy thận.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH SỎI THẬN

  • Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới do sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng, đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi.
  • Đau khi đi tiểu do sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu.
  • Tiểu ra máu do sự cọ xát của sỏi khi di chuyển tới những tổn thương. Tuy nhiên, tùy vào những tổn thương mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.
  • Tiểu dắt, tiểu són. Khi sỏi ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và rất hay đi tiểu.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn do khi bị sỏi thận gây ra những ảnh hưởng trong đường tiêu hóa dẫn đến cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Cảm giác sốt và ớn lạnh do khi bị sỏi thận rất dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.

AI LÀ ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH SỎI THẬN?

  • Khi gia đình có người mang gen này, sẽ có nguy cơ cao bị sỏi thận.
  • Những người sống tại khu vực có khí hậu nhiệt đới, không uống đủ nước lại bị ra mồ hôi nhiều dẫn đến thiếu nước.
  • Những người ăn quá nhiều protein, muối hoặc đường.
  • Những người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.
  • Đã từng trải qua phẫu thuật hoặc sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ cao bị sỏi thận.

CHẾ ĐỘ ĂN DÀNH CHO NGƯỜI BỊ SỎI THẬN

Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa bệnh sỏi thận và phòng tái phát sau này. Người đã bị sỏi thận sẽ khó khỏi hẳn bệnh nếu không biết duy trì chế độ ăn uống thích hợp.

Vì đa số sỏi thận là sỏi canxi nên nhiều người nghĩ rằng kiêng ăn hoàn toàn canxi để tránh bị sỏi thận, thật sự không phải vậy. Quá trình hình thành sỏi thận là một quá trình phức tạp do nhiều yếu tố gây ra chứ không phải chỉ do bị dư canxi. Nhiều người ăn uống kham khổ, kiêng cữ canxi vẫn bị sỏi thận; ngược lại, nhiều người uống nhiều sữa, ăn nhiều tôm cua nhưng đâu có bị sỏi thận.

Vậy chế độ ăn uống như thế nào ở một người đã từng có sỏi thận để tránh bị tái phát? Dưới đây là những điều cần ghi nhớ về chế độ ăn mà các bác sĩ luôn lưu ý với người bệnh.

Các thực phẩm nên tránh khi bị sỏi thận

Ăn ít thịt động vật: ăn thực phẩm chứa ít muối, ăn ít các loại thịt. Có thể ăn cá thay cho thịt. Tôm cua có thể ăn vừa phải được.

Giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalat: bao gồm các loại đậu, đậu phộng, bột cám, chocolate, cà phê và trà đặc. Khi bạn sử dụng các thực phẩm có chứa oxalat, hãy nhớ ăn hoặc uống kèm với các thực phẩm giàu canxi. Canxi sẽ liên kết với oxalat trong hệ tiêu hóa trước khi đến thận của bạn, từ đó làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Chế độ ăn cân bằng Oxalat – Canxi tốt cho người bị sỏi thận

Hạn chế muối và mỡ: Nên cố gắng ăn nhạt vì những nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalat trong nước tiểu. Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 5 g muối/ngày để đảm bảo sức khỏe và nhu cầu sinh lý bình thường của cơ thể.

Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò. Những thực phẩm này chứa nhiều purin, đó là những chất tự nhiên chuyển hóa hoặc phân hủy thành axit uric trong nước tiểu và góp phần hình thành sỏi thận. Hạn chế ăn các thực phẩm này sẽ giảm nguy cơ hàm lượng axit uric trong nước tiểu nên cũng phòng được bệnh sỏi thận.

Chế độ ăn được khuyến khích dùng các thực phẩm sau

Uống nhiều nước (đây là điều quan trọng nhất): Theo TS.BS. Đỗ Gia Tuyển – Đại học Y Hà Nội: “Với bất kỳ loại sỏi nào cũng cần uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu lớn hơn 2,5 lít mỗi ngày, tốt nhất uống nước để làm sao khi đi tiểu, nước tiểu trong là được”. Bổ sung thêm chất lỏng nếu làm việc trong môi trường nóng bức, bị ra nhiều mồ hôi. Uống nhiều nước vừa giúp tránh bị sỏi thận vừa giúp tống xuất những viên sỏi nhỏ nếu có.

Ăn uống điều độ thực phẩm chứa canxi như sữa, pho mai:

Canxi có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự hình thành sỏi thận bằng cách liên kết với oxalat tại ruột và ngăn cản phức hợp này tới thận. Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong hấp thụ canxi khiến cơ thể hấp thu oxalat nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận, ngoài ra, kiêng cữ thực phẩm chứa canxi sẽ bị loãng xương.

Các nguồn cung cấp canxi tốt bao gồm sữa, sữa chua, phô mai. Các nguồn cung cấp canxi cho những người ăn chay bao gồm: các loại cây họ đậu, rau lá xanh đậm, các loai hạt… Nếu bạn không thích mùi vị của sữa bò, hoặc bạn không dung nạp sữa bò, hãy thử các loại sữa không có lactose, sữa đậu nành, hoặc sữa dê.

Đừng quên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D mỗi ngày. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Có rất nhiều loại thực phẩm giúp bạn bổ sung vitamin D. Một vài gợi ý tốt như cá hồi, lòng đỏ trứng và phô mai.

Nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi tươi: những loại thức uống này chứa nhiều citrat giúp chống lại sự tạo thành sỏi niệu.

Nên ăn nhiều rau tươi có chất xơ: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi niệu.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN

Tùy theo kích thước, vị trí và biến chứng của sỏi gây ra mà có các chỉ định can thiệp lấy sỏi khác nhau. Chính vì những biến chứng nguy hiểm mà sỏi thận gây ra nên có những trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay, có trường hợp có thể trì hoãn lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Có trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ không gây các biến chứng đau nhiều, đái ra máu hoặc gây biến chứng viêm nhiễm ở thận.

Thuốc tây chữa sỏi thận

– Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm: như paracetamol, ibuprofen…: để xoa dịu những cơn đau do sỏi.

– Nhóm thuốc giãn cơ trơn tiết niệu: tạo điều kiện để viên sỏi dễ dàng di chuyển và ít gây tổn thương đường tiết niệu.

– Một số nhóm thuốc khác được chỉ định nhằm điều chỉnh nồng độ các khoáng chất, đồng thời giúp bào mòn sỏi như: thuốc lợi tiểu, kiềm hóa nước tiểu với sỏi canxi, thuốc giảm nồng độ acid uric với sỏi uric, thuốc kháng sinh diệt khuẩn khi bị sỏi san hô (struvite),…

Các thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ dược liệu

Thuốc tây chữa sỏi thận thường giúp cải thiện nhanh triệu chứng nhưng lại không tác động tận gốc đến căn nguyên nên bệnh dễ tái phát, đó là chưa kể một số tác dụng phụ có thể xảy ra. Do vậy, để điều trị sỏi thận hiệu quả cần phải ngăn chặn ngay từ những yếu tố hình thành, đồng thời bào mòn sỏi, tránh tình trạng viêm, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng chức năng thận tiết niệu về sau.

Một số dược liệu hiệu quả trong điều trị sỏi thận, tiết niệu:

Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium): lợi tiểu, tống đẩy bào mòn sỏi, chống viêm

Từ những năm 1970, nhiều công trình nghiên cứu đã làm sáng tỏ lợi ích vượt trội của thảo dược này đối với các bệnh lý sỏi tiết niệu và viêm tiết niệu. Các nhà khoa học tại Khoa Tiết Niệu, Đại học Kumamoto (Nhật Bản) cho biết, Kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu mạnh mẽ giúp đẩy nhanh quá trình bào mòn, tống đẩy sỏi và đào thải vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, năm 2003, kết quả nghiên cứu tại khoa Tiết niệu – Bệnh viện Quảng Đông (Trung Quốc) cũng cho thấy, Kim tiền thảo có thể làm giảm rõ rệt nồng độ các khoáng chất (canxi, oxalat, acid uric) trong nước tiểu, ức chế quá trình tạo sỏi mới.

Tác dụng chống viêm, chống oxy hóa của Kim tiền thảo được khẳng định qua nghiên cứu tại viện Tiết niệu, khi làm giảm nồng độ Malondialdehyde – “sản phẩm” từ quá trình oxy hóa và giúp tăng hoạt động của Glutathion – chất chống oxy hóa trong thận. Nhờ vậy, Kim tiền thảo là vị thuốc nam hàng đầu với cả bệnh sỏi và viêm tiết niệu.

Cây Râu mèo (Orthosiphon aristatus): lợi tiểu, ngăn ngừa sự kết tinh sỏi, chống viêm

Dựa trên nghiên cứu tại Trường Khoa học dược phẩm Malaysia và Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Chiết Giang, dịch chiết Râu mèo có tác dụng kiềm hóa nước tiểu rõ rệt và tăng bài tiết canxi, oxalat, acid uric ra khỏi nước tiểu, ngăn ngừa sự kết tinh sỏi mới.

Một thử nghiệm khác tại khoa Y, Đại học Malaya cho thấy, hoạt chất axit rosmarinic có khả năng chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu,… từ đó giảm viêm tiết niệu rất công hiệu. Ngoài ra, theo thử nghiệm của Trường Khoa học Dược Malaysia dịch chiết Râu mèo có tác dụng giảm đau, hạ sốt tương đương paracetamol, hoạt chất trong Râu mèo giúp chống viêm tiết niệu, tăng cường miễn dịch của cơ thể.

Râu ngô (Styliet stigmata Maydis): tăng lượng nước tiểu, tăng bào mòn và đào thải sỏi

Nghiên cứu tại Đại học Khoa học Y khoa Kerman (Iran) và Đại học Strathclyde (Anh) chứng minh, Râu ngô làm giảm độc tính của các tác nhân oxy hóa trên thận và ức chế hoạt động của chất gây viêm TNF và vi khuẩn E.coli để cải thiện tình trạng viêm tiết niệu và tăng cường chức năng thận. Cũng theo tài liệu Cây thuốc và động vật làm thuốc của GS.TS Đỗ Tất Lợi, Râu ngô có khả năng làm tan cục máu đông, giảm tình trạng tiểu ra máu do sỏi và viêm tiết niệu. Tại Braszil các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng dùng Râu ngô giúp tăng lượng nước tiểu, tăng bào mòn và đào thải sỏi.

 

Sưu tầm & Tổng hợp: DS. Nguyễn Thị Ngọc Anh