CÔNG DỤNG CỦA NANOCURCUMIN VÀ PIPERIN ĐỐI VỚI CÁC BỆNH LÝ LIÊN QUAN ĐẾN DẠ DÀY

12:59 | 22/10/2020

Từ hàng nghìn năm trước, nghệ (Curcuma longa) đã được sử dụng phổ biến làm gia vị thực phẩm ở nhiều nước châu Á (Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, …). Theo Đông y, nghệ có tác dụng chữa lành vết thương, vết loét, đau dạ dày, rối loạn chức năng đường tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, … Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày càng có nhiều nghiên cứu y dược học hiện đại cho thấy thành phần chính trong nghệ có tác dụng chính là tinh chất Curcumin.

 

Dạ dày đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người khi là nơi hấp thu thức ăn để sau đó chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng cần thiết. Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý liên quan đến dạ dày như: do vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thể trạng suy yếu, bệnh nặng, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, căng thẳng trong thời gian dài, … Dưới đây là những bệnh thường gặp nhất ở dạ dày.

Bệnh lý liên quan đến dạ dày

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh gây tổn thương tạo ra các ổ loét ở niêm mạc dạ dày – tá tràng (phần đầu của ruột non). Người bệnh thường đau đớn, khó chịu, có các biểu hiện đau thượng vị như đau âm ỉ, bỏng rát, đau quặn hoặc đau từng cơn, ban đầu có tính chu kỳ (đau khi đói/ban đêm đối với loét tá tràng, đau sau ăn đối với loét dạ dày), về sau mất đi tính chu kỳ, liên tục. Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, chán ăn; biến chứng nặng khi nôn ra máu, đi tiêu ra máu, … Đôi khi bệnh tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng đau nhưng sẽ biểu hiện đột ngột bởi một biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét, … thường gặp ở trẻ em, người già hay người suy kiệt sức khỏe.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là hiện tượng thức ăn, dịch vị có trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản và gây khó chịu, về lâu dài sẽ gây tổn thương thực quản. Người bệnh thường xuyên có biểu hiện tức ngực, buồn nôn, ợ chua và nóng rát thực quản. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như khó nuốt, mắc nghẹn, nhạt miệng, ho thường xuyên, …
  • Ung thư dạ dày có biểu hiện tương đồng với các bệnh lý dạ dày thường gặp, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn và chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng chưa xuất hiện rõ rệt và hầu hết được phát hiện khi các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Một số dấu hiệu của bệnh như đau bụng, đầy bụng, chán ăn, sụt cân, nôn ra máu và đi ngoài phân đen. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, cần thận trọng kiểm tra bệnh lý định kỳ, tránh tình huống xấu diễn tiến thành ung thư.

Nguyên nhân gây bệnh lý liên quan dạ dày

  • Vi khuẩn Hp là trực khuẩn Gram âm ở lớp màng nhầy dạ dày có khả năng tiết ra các enzym như protease, lipase làm phân hủy chất nhầy (yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày), đồng thời tiết ra urease tạo NH3 gây độc cho tế bào biểu mô, tiết độc tố gây viêm dạ dày mạn dẫn đến phù nề, bong tróc biểu mô, tạo điều kiện hình thành các ổ loét. Thống kê cho thấy, 90% trường hợp người nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng. Để phát hiện được vi khuẩn Hp trong dạ dày các bệnh nhân thường được chỉ định xét nghiệm chuyên biệt. Nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày. Trong các trường hợp viêm dạ dày do Hp mạn tính, 20% sẽ tiến triển thành loét tá tràng, 10% diễn tiến thành loét dạ dày và gần 3% sẽ chuyển sang giai đoạn ung thư.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, piroxicam, naproxen, … có tác dụng ức chế cyclooxygenase (COX) để mang lại hoạt tính kháng viêm, tuy nhiên điều này cũng ức chế giảm tiết prostaglandin – yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày nên niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương hơn.
  • Thể trạng suy yếu, bệnh nặng là khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể bị suy yếu kèm thêm các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp, … dẫn đến giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc cũng như giảm tưới máu đến dạ dày, đây là các điều kiện thuận lợi góp phần gây ra các bệnh lý dạ dày.
  • Hút thuốc lá làm giảm độ dày của lớp màng nhầy và giảm tiết các yếu tố bảo vệ dạ dày, giảm khả năng chữa lành vết loét, tăng nguy cơ loét cũng như tái phát sau điều trị. Nicotin trong thuốc lá gây co thắt mạch máu, làm giảm tưới máu cho niêm mạc dạ dày, ức chế tổng hợp prostaglandin, do đó thúc đẩy acid và pepsin dịch vị ăn mòn niêm mạc dạ dày.
  • Uống rượu bia gây tổn thương niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa trên do kích thích và làm mòn lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Stress (căng thẳng, lo âu, …) khiến dạ dày tăng co bóp và tiết acid dịch vị, mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và yếu tố phá hủy dẫn đến tự bào mòn niêm mạc gây viêm loét.
  • Thói quen sinh hoạt không điều độ nhưăn uống không đúng giờ giấc, bỏ bữa hoặc nhịn đói thường xuyên, ăn đồ chua cay, thức khuya, ăn đêm, … có tỷ lệ mắc bệnh đau dạ dày cao hơn những người có thói quen sinh hoạt khoa học. Vì trong một ngày, sự bài tiết dịch vị của dạ dày nên mang tính chu kỳ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa thức ăn kịp thời. Đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết acid để tiêu hóa thức ăn. Bởi vậy, nếu bỏ bữa hay ăn uống không đúng giờ giấc thì lượng acid dư thừa tiết ra sẽ làm tăng nguy cơ đau dạ dày, viêm loét dạ dày, …

Cách bảo vệ và phòng ngừa bệnh lý liên quan dạ dày

Loại bỏ, hạn chế được các nguyên nhân trên sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày

  • Ăn uống đầy đủ, đúng giờ giấc, các bữa nên thực hiện vào một giờ cố định trong ngày. Chỉ ăn vừa đủ no, không nên ăn nhiều thức ăn cùng lúc khiến cho dạ dày bị quá tải. Nhai kỹ trước khi nuốt để kích thích bài tiết nước bọt, giúp hỗ trợ dạ dày tiêu hủy một phần thức ăn. Tránh ăn nhiều gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt hoặc các loại trái cây, thức ăn chua. Thay thế nước bình, nước uống đóng chai, nước ngọt có gas, cà phê bằng nước đun sôi để nguội nhằm đảm bảo vệ sinh, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn Hp, ký sinh trùng và các loại vi khuẩn gây hại khác.
  • Hạn chế, tốt nhất là không uống rượu bia, hút thuốc lá.
  • Chất lượng giấc ngủ cũng có liên quan mật thiết với sức khỏe của dạ dày cũng như toàn bộ cơ thể, đi ngủ trước 10 giờ tối và đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để dạ dày được nghỉ ngơi và luôn hoạt động hiệu quả.
  • Tập thể dục thường xuyên (khoảng 30 phút/ngày) để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Tránh căng thẳng thần kinh

Thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, luôn có suy nghĩ tích cực có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lý về dạ dày.

Thận trọng dùng thuốc theo đơn bác sĩ

Việc sử dụng thuốc bừa bãi sẽ gây hại rất lớn không chỉ đến đến dạ dày mà còn gan, thận, … Để ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến dạ dày thì việc sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ là điều cần thiết, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh, kháng viêm hay thuốc giảm đau.

Sử dụng các chất bổ sung hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa một cách khoa học

Nhiều chất bổ sung có tác dụng hỗ trợ bảo vệ và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa như các chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, các thảo dược giàu chất chống oxi hóa (polyphenol trong trà xanh, gừng, saponin trong cam thảo, nhân sâm, …). Trong số đó, thành phần Curcumin – tinh chất từ nghệ, đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa hiệu quả. Chỉ trong vòng chục năm gần đây, trên thế giới có gần 6000 nghiên cứu ra đời phân tích kỹ lưỡng và chứng minh tác dụng bảo vệ sức khỏe của Curcumin.

Curcumin là gì?

Curcumin là tinh chất màu vàng có tác dụng và giá trị cao được chiết xuất từ thân rễ củ nghệ (Curcuma longa). Curcumin đã được khoa học chứng minh có hiệu quả tuyệt vời trong ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng cũng như nhiều bệnh lý khác (ung thư, viêm khớp, rối loạn lipid máu, …).

Năm 2001, một nghiên cứu thử lâm sàng giai đoạn II tại Thái Lan đã tiến hành trên 45 bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Kết quả cho thấy vết loét trong 25 bệnh nhân đã giảm 48% (sau 4 tuần điều trị) và 76% (sau 12 tuần điều trị), 20 bệnh nhân còn lại không phát hiện vết loét. Các triệu chứng đau bụng, khó chịu, rối loạn tiêu hóa cũng cải thiện đáng kể sau 1 – 2 tuần điều trị. Ngoài ra vào năm 2009, nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Bệnh lý đường tiêu hóa ở Ấn Độ đã cho thấy Curcumin có tác dụng ức chế hiệu quả trên 65 chủng vi khuẩn Hp được phân lập từ các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng.

Công dụng của Curcumin

Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh lý dạ dày

  • Tăng bài tiết chất nhầy và prostaglandin – yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Giảm tiết acid dịch vị và hoạt tính cytokinin gây viêm – yếu tố hủy hoại niêm mạc dạ dày.
  • Đồng thời cải thiện máu nuôi dạ dày, thúc đẩy làm lành vết loét nhanh chóng, giảm các triệu chứng, ngừa tái phát và các biến chứng nặng hơn do viêm loét.
  • Ngoài ra còn ức chế hoạt động của vi khuẩn Hp, bằng cách ức chế một số enzym cần thiết cho quá trình tổng hợp acid amin và quá trình phân bào của vi khuẩn, ngăn chặn sự xâm nhiễm các tế bào viêm, phục hồi tổn thương vết loét do vi khuẩn gây ra.

Tăng cường khả năng chống oxy hóa và kháng viêm

  • Tổn thương do các gốc oxy hóa (gốc tự do) được cho là một trong những cơ chế đằng sau sự lão hóa và nhiều loại bệnh, trong đó có viêm loét dạ dày – tá tràng. Curcumin có hoạt tính chống oxy hóa rất mạnh đến nỗi bản thân Curcumin trực tiếp trung hòa các gốc tự do, mặt khác còn tăng cường tổng hợp nhiều enzym chống oxy hóa của cơ thể.
  • Curcumin có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Curcumin mang hiệu quả kháng viêm ở mức độ phân tử, tác dụng tại nhiều mắt xích trong quá trình viêm phức tạp: từ giảm hoạt tính các cytokinin tiền viêm đến ức chế hoạt động các yếu tố gây viêm liên quan đến bộ gen của tế bào.

Từ các kết quả trên, tinh chất Curcumin có tác dụng tuyệt vời trong bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các bệnh lý liên quan dạ dày.

Tuy nhiên tinh chất Curcumin trong bột nghệ thông thường có kích thước phân tử lớn và hầu như không tan trong nước, do đó rất khó hấp thu vào máu để phát huy tác dụng, hơn nữa Curcumin còn dễ bị chuyển hóa và đào thải nhanh ra khỏi cơ thể nên hiệu quả khi sử dụng đường uống là không cao. Vậy làm sao để tinh chất Curcumin có thể dễ hấp thu vào máu cũng như giảm sự chuyển hóa và đào thải khỏi cơ thể? Chìa khóa nằm ở sự ra đời của công nghệ Nano.

Nanocurcumin là gì?

Nanocurcumin Curcumin được bào chế dưới dạng hạt siêu nhỏ với kích thước dao động 30 – 100 nm (nanomét), có khả năng dễ phân tán trong môi trường nước nên đi qua được những khe hở của tế bào khi vào trong cơ thể và phân bố đều vào máu, giúp quá trình hấp thu được cải thiện tăng gấp 40 lần so với uống Curcumin thông thường.

Theo nghiên cứu của các tác giả tại Trường Dược khoa – Đại học bang Ohio, Hoa Kỳ (năm 2012), Nanocurcumin có những đặc điểm sau:

  • Nhờ kích thước siêu nhỏ, độ tan của Nanocurcumin (độ tan 7,5%) tăng lên gấp 7.500 lần so với Curcumin (độ tan 0,001%).
  • Hiệu quả hấp thu lên đến 95%, tốc độ thẩm thấu nhanh, nhanh chóng phát huy hiệu quả hỗ trợ điều trị tại hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
  • Nồng độ Curcumin trong máu luôn ở mức ổn định, giảm sự chuyển hóa lần đầu ở gan.

Bên cạnh đó, chiết xuất hạt tiêu đen với thành phần chính Piperin cũng góp phần hỗ trợ và phát huy tác dụng của Curcumin hơn thế nữa.

Công dụng của chiết xuất hạt tiêu đen – Piperin

Piperin – thành phần chính có trong chiết xuất hạt tiêu đen có thể làm tăng khả năng hấp thu và phân bố vào các mô của Curcumin thông qua các cơ chế:

  • Ức chế một số enzym chuyển hóa các chất giúp hạn chế đào thải.
  • Kích thích tăng cường chất mang qua màng ruột.
  • Ức chế đào thải các chất từ tế bào, làm tăng thời gian lưu trữ các chất trong tế bào.
  • Làm giảm các hoạt động của ruột giúp các chất đi vào trong cơ thể ở dạng hoạt động nhiều hơn.

Kết quả là Piperin có thể tăng khả năng hấp thu của Curcumin lên tới 20 lần.

Sưu tầm & tổng hợp: DS. Trần Gia Lộc & DS. Lê Nhật Loan