CEPHALEXIN 500 mg

Mô tả sản phẩm:

CÔNG THỨC:

Cephalexin (dưới dạng Cephalexin monohydrat) 500 mg

Tá dược vừa đủ 1 viên

DẠNG BÀO CHẾ:

Viên nang cứng.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI:

Hộp 10 vỉ x 10 viên, chai 200 viên, chai 500 viên.

CHỈ ĐỊNH:

Điều trị các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm, nhưng không chỉ định điều trị các nhiễm khuẩn nặng:

– Viêm phế quản cấp và mạn tính, giãn phế quản nhiễm khuẩn.

– Viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm xoang, viêm amiđan hốc và viêm họng.

– Viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn sản và phụ khoa, bệnh lậu.

– Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương và răng.

LIỀU DÙNG VÀ CÁCH DÙNG:

– Trẻ em trên 15 tuổi và người lớn: Dùng đường uống. Liều thường dùng: 1 viên, cách 6 giờ/ lần. Liều có thể lên tới 4 g/ ngày đối với nhiễm khuẩn nặng hoặc do nhiễm vi khuẩn kém nhạy cảm.

– Viêm họng và viêm amiđan: 1 viên, cách 12 giờ/ lần, dùng thuốc ít nhất 10 ngày.

– Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: 1 viên, cách 12 giờ/ lần.

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Để điều trị viêm bàng quang không biến chứng, thường dùng 1 viên, cách 12 giờ/ lần, trong 7 – 14 ngày.

– Điều chỉnh liều ở người suy thận:

Nếu suy thận (độ thanh thải creatinin < 40 ml/phút), liều đầu tiên bằng liều thông thường, sau đó điều chỉnh liều theo độ thanh thải creatinin:

Độ thanh thải Creatinin (ml/phút) Liều dùng (mg) Cách dùng
11 – 40 500 Cách 8 – 12 giờ/lần
5 – 10 250 Cách 12 giờ/lần
Dưới 5 250 Cách 12 – 24 giờ/lần

– Điều chỉnh liều trong khi thẩm phân:

Thẩm phân máu: 1 liều thường dùng cho sau thẩm phân.

Thẩm phân màng bụng liên tục tại nhà: Liều như người suy thận.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Nếu cần thêm thông tin, xin hỏi ý kiến bác sĩ.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

– Người bệnh có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm Cephalosporin.

– Người bệnh có tiền sử sốc phản vệ do Penicilin hoặc phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE.

– Mẫn cảm với cephalexin và các thành phần khác của thuốc.

THẬN TRỌNG:

– Cephalexin thường được dung nạp tốt ngay cả ở người bênh dị ứng với Penicilin, tuy nhiên cũng có một số rất ít bị dị ứng chéo.

– Sử dụng Cephalexin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm, trường hợp này nên ngừng thuốc.

– Cần chú ý tới việc chẩn đoán bệnh viêm đại tràng màng giả ở người bệnh tiêu chảy nặng trong hoặc sau khi dùng kháng sinh.

– Phải giảm liều Cephalexin cho thích hợp đối với người suy thận.

– Ở người bệnh dùng Cephalexin có thể có phản ứng dương tính giả khi xét nghiệm Glucose niệu bằng dung dịch Benedict, dung dịch Fehling hay viên Clinitest, nhưng với các xét nghiệm bằng enzym thì không bị ảnh hưởng.

– Có thông báo Cephalexin gây dương tính thử nghiệm Coombs.

– Thận trọng khi dùng trong những tháng đầu của thai kỳ.

THỜI KÌ MANG THAI:

Nghiên cứu thực nghiệm và kinh nghiệm lâm sàng chưa cho thấy có dấu hiệu về độc tính cho thai và gây quái thai. Tuy nhiên chỉ nên dùng cephalexin cho người mang thai khi thật cần.

THỜI KÌ CHO CON BÚ:

Nồng độ cephalexin trong sữa mẹ rất thấp. Mặc dù vậy, vẫn nên cân nhắc việc ngừng cho con bú nhất thời trong thời gian người mẹ dùng cephalexin.

NGƯỜI LÁI XE VÀ VẬN HÀNH MÁY MÓC:

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng cho người đang lái xe và vận hành máy móc.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN:

– Thường gặp: Tiêu chảy, buồn nôn.

Ít gặp: Tăng bạch cầu ưa eosin, nổi ban, mày đay, ngứa, tăng transaminase gan có hồi phục.

Hiếm gặp: Đau đầu, chóng mặt, phản ứng phản vệ, mệt mỏi, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, viêm đại tràng giả mạc, hội chứng Steven – Jonhson, hồng ban đa dạng, hội chứng Lyell, phù Quincke, viêm gan, vàng da ứ mật, ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, viêm thận kẽ có hồi phục.

Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

TƯƠNG TÁC THUỐC:

– Dùng cephalexin liều cao với các thuốc khác cũng độc trên thận như Aminoglycosid, thuốc lợi tiểu mạnh (Furosemid, acid etharynic, piretanid) có thể ảnh hưởng xấu tới chức năng thận.

– Cephalexin làm giảm tác dụng của oestrogen trong thuốc tránh thụ thai.

– Cholestyramin gắn với cephalexin ở ruột làm chậm sự hấp thu của chúng.

– Probenecid làm tăng nồng độ trong huyết thanh và tăng thời gian bán thải của cephalexin.

QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ:

Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, có thể gây quá mẫn thần kinh cơ và cơn động kinh, đặc biệt ở người suy thận.

Xử trí: Không cần rửa dạ dày, trừ khi đã uống cephalexin gấp 5 – 10 lần liều bình thường. Bảo vệ đường hô hấp cho người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Cho uống than hoạt nhiều lần thay thế hoặc thêm vào việc rửa dạ dày. Cần bảo vệ đường hô hấp của người bệnh lúc đang rửa dạ dày hoặc đang dùng than hoạt.

HẠN DÙNG:

24 tháng kể từ ngày sản xuất.

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN:

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 300C.

TIÊU CHUẨN:

Tiêu chuẩn cơ sở